Đạo đức công chức, vấn đề quan trọng trong cải cách hành chính hiện nay
Trong sự nghiệp phát triển của đất nước, sự chuyển đổi cơ chế kinh tế và hội nhập quốc tế của nước ta, Đảng ta đã đặt ra nhiều vấn đề cần phải giải quyết, trong đó có vấn đề đạo đức của người công chức. 
  Công chức là lực lượng quan trọng quyết định sự thành công của công cuộc cải cách nền hành chính Nhà nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay. Vì vậy, đạo đức công chức luôn là vấn đề được Đảng, Nhà nước ta quan tâm hàng đầu trong công việc giáo dục và đào tạo đội ngũ cán bộ. Đảng và Nhà nước ta đang từng bước xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, trong đó điểm đột phá là xây dựng một nền hành chính chính quy, chuyên nghiệp thực sự là của dân, do dân, vì dân, với mục tiêu: "Tập trung xây dựng hệ thống hành chính nhà nước trong sạch, vững mạnh, đảm bảo quản lý thống nhất, thông suốt trên cơ sở phân công, phân cấp hợp lý, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong thời kỳ mới, chuyển thành công nền hành chính sang phục vụ".       
  Để đảm bảo cho công cuộc cải cách hành chính được thành công thì điều quan trọng nhất là con người, con người ở đây là công chức trong bộ máy hành chính nhà nước, Trong đó đạo đức công chức là một yếu tố vô cùng quan trọng và bức thiết nhất trong giai đoạn hiện nay. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh “Cán bộ, công chức là công bộc của dân...”, có bổn phận phục vụ nhân dân. Vì thế, đạo đức công chức thể hiện tính dân chủ trong công vụ mà công chức thực hiện đối với dân. Không thiên vị, vô tư và trong sáng chắc chắn sẽ làm cho người dân tin hơn vào Chính phủ vào Nhà nước. Đạo đức công chức thể hiện trong những hoạt động, hành vi cụ thể của công chức. Cải cách hành chính là khâu đặc biệt quan trọng nhằm củng cố, hoàn thiện bộ máy công quyền, có quan hệ trực tiếp đến lợi ích của nhân dân mà công chức là nhân tố bảo đảm cho sự vận hành của bộ máy công quyền đó. Chất lượng đội ngũ công chức thể hiện ở trình độ chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng; ở đạo đức, tác phong và thái độ phục vụ nhân dân.
  Cải cách hành chính phải gắn liền với việc nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức. Cán bộ, công chức phải luôn là người đi đầu trong sự nghiệp cải cách hành chính, phải được đào tạo một cách bài bản để có chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng và đặc biệt là phải có phẩm chất đạo đức trong sáng xứng đáng là “công bộc” của nhân dân. Trong quá trình thực thi công vụ, yêu cầu của cải cách nền hành chính nhà nước hiện nay là phải đạt mục tiêu xây dựng một nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại hoá, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả theo nguyên tắc của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu của công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Vì vậy đạo đức người cán bộ, công chức cần được chuẩn mực trở thành bắt buộc mang tính nguyên tắc dựa trên những quy định pháp luật. Chuẩn mực đó được thể hiện: cán bộ, công chức phải làm tròn bổn phận của mình với một phẩm chất cao nhất là sự liêm khiết. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Liêm là trong sạch, không tham lam, luôn tôn trọng, giữ gìn của công, của dân...” và Người cũng đã cảnh báo những người cơ hội luôn tìm dịp phát tài, xoay tiền của Chính phủ, đục khoét nhân dân. Vì vậy, mỗi cán bộ, công chức phải lấy chữ “liêm” làm đầu. Đối với nền hành chính chúng ta đang xây dựng hiện nay thì liêm khiết là một yếu tố có ý nghĩa quyết định. Bởi vì, trong thực thi công vụ, công chức cung cấp cho xã hội một sự quản lý không thiên lệch, trong sáng; thực hiện những dịch vụ hành chính có chất lượng cao, vận hành, sử dụng tài sản công theo hướng tối đa hóa lợi ích là một vấn đề cốt lõi trong cải cách tài chính công, tài sản công hiện nay.
  Tiếp đến là công chức trong quá trình thực hiện công việc của mình là công việc phục vụ lợi ích công. Do đó, yêu cầu phải làm tăng niềm tin của nhân dân với các cơ quan thực thi quyền hành pháp thì yếu tố cần thiết nữa là phải có lương tâm, công minh và dũng cảm. Đây là yếu tố rất cần thiết trong đạo đức của công chức hiện nay. Thái độ vô cảm trước công việc, trước nỗi lo, nỗi đau của người dân là một thái độ không thể chấp nhận được của cán bộ, công chức. Chúng ta đều biết rằng “công bộc của dân” là lời dạy tâm huyết của Bác đối với cán bộ, công chức, mà công chức cần phải rèn luyện để góp phần xây dựng một nền hành chính công lành mạnh, có hiệu lực, hiệu quả. Đồng thời, trong công việc của mình công chức thường đứng trước bao cám dỗ bởi vật chất, quyền lực đòi hỏi phải dũng cảm mới có thể vượt qua được. Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: là người cán bộ thì phải có gan làm, có gan chịu đựng, có gan sửa chữa, có gan chống lại những vinh hoa, phú quý không chính đáng. Hiện nay, tham nhũng đang có nguy cơ trở thành “quốc nạn”. Có nhiều nguyên nhân, trong đó NQTW 4 khóa 12 của Đảng cũng đã chỉ rỏ: Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn...  Nhiều tổ chức đảng, đảng viên còn hạn chế trong nhận thức, lơ là, mất cảnh giác, lúng túng trong nhận diện và đấu tranh, ngăn chặn "tự diễn biến", "tự chuyển hóa” là một trong những nguyên lớn, sâu xa nhất hiện nay. Do đó, việc làm trong sạch bộ máy cán bộ, công chức, xây dựng đạo đức người cán bộ trong thực thi công vụ càng có ý nghĩa quyết định.  
Công chức trong bộ máy hành chính nhà nước là một hình ảnh phản chiếu các vai trò trách nhiệm của họ; thử thách đánh giá các giá trị của họ và hành động của họ với tư cách là cá nhân phục vụ cho chính phủ và nhân dân. Muốn như vậy, ở góc độ đạo đức, công chức cần nâng cao kỹ năng và chất lượng phục vụ, cung cấp dịch vụ công cho xã hội cho nhân dân. 
Tóm lại, công chức là lực lượng quan trọng quyết định sự thành công của công cuộc cải cách nền hành chính Nhà nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay. Vì vậy, đạo đức công chức luôn là vấn đề được Đảng, Nhà nước ta quan tâm hàng đầu trong công việc giáo dục và đào tạo đội ngũ này, nhằm đảm bảo hoạt động hoàn thiện của nền hành chính và là giải pháp hữu hiệu nhất để xây dựng thành công nhà nước pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Thanh Tuấn - Đài Truyền thanh huyện
THÔNG BÁO










VĂN BẢN MỚI BAN HÀNH






SỐ LƯỢT TRUY CẬP
  • Tất cả: 458049
Cơ quan chủ quản: HĐND & UBND Huyện Thạnh Trị Tỉnh Sóc Trăng
Địa Chỉ: Ấp 1, thị trấn Phú Lộc, huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng
Điện Thoại: 02993 866 332 - Fax: 02993 866 100 - Email: vpubthanhtri@soctrang.gov.vn
Ghi Rõ Nguồn "HĐND & UBND Huyện Thạnh Trị " Khi Phát Hành Lại Thông Tin Từ Website Này.