20/04/2021
Tăng cường công tác CCHC gắn với thực hiện văn hóa công sở góp phần phục vụ tốt người dân (Tin CCHC tháng 4/2021)
Hiện nay, công tác cải cách hành chính trên địa bàn huyện đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, từng bước đổi mới phương thức hoạt động của bộ máy hành chính tạo ra sự đồng thuận và hưởng ứng mạnh mẽ của đông đảo các tầng lớp nhân dân trên địa huyện, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo cải cách hành chính. Bảo đảm đơn giản công khai, minh bạch, thuận lợi cho tổ chức, công dân. Nâng cao chất lượng thực hiện cơ chế “ Một cửa”, “ Một cửa liên thông”, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc giải quyết thủ tục hành chính tạo bước chuyển mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ công chức.
Để tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý hành chính nhà nước trong thời gian tới, năm 2021 UBND huyện triển khai Kế hoạch tăng cường thực hiện các mô hình CCHC gắn với xây dựng văn hóa công sở và tổ chức thi đua gương điển hình tiên tiến trên địa bàn huyện Thạnh Trị. Thông qua Kế hoạch nhằm ngày càng đổi mới lề lối làm việc của cán bộ, công chức trong cách phục vụ tổ chức và công dân. đồng thời, tạo chuyển biến tích cực về nhận thức và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, của cán bộ, công chức, phục vụ tốt hơn cho người dân khi đến giải quyết các công việc do cơ quan hành chính nhà nước thực hiện. Thời gian thực hiện bắt đầu từ năm 2021 kéo dài dài đến năm 2022 và những năm tiếp theo.
Nội dung thi đua của kế hoạch là phải xây dựng và thực hiện các mô hình CCHC gắn với việc xây dựng văn hóa công sở theo hướng nâng cao hiệu quả phục vụ nhân dân, tiết kiệm thời gian, chi phí và giảm phiền hà cho người dân. Bởi văn hóa công sở hay nói khác hơn là Văn hóa công vụ là hệ thống những giá trị, cách ứng xử, biểu tượng, chuẩn mực được hình thành trong quá trình xây dựng và phát triển công vụ, có khả năng lưu truyền và có tác động tới tâm lý, hành vi của người thực thi công vụ. Từ năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ với mục tiêu nâng cao văn hóa công vụ, góp phần hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; bảo đảm tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả trong hoạt động thực thi nhiệm vụ, công vụ, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân và xã hội.
Đến tháng 6/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 733 về việc ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hoá công sở” giai đoạn 2019 - 2025 nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức và hành động; tự tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao ý thức, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính… góp phần xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì nhân dân phục vụ.
Vì nếu thực hiện tốt văn hóa công sở, sẽ là chuẩn mực của một nền hành chính công vụ và có ảnh hưởng tốt đến toàn xã hội. Vì vậy, văn hóa công sở phải hướng tới xây dựng phong cách ứng xử chuẩn mực của cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, bảo đảm tính trang nghiêm và hiệu quả hoạt động của các cơ quan, tổ chức. Trong đó điều quan trọng nhất là Văn hoá công sở có được thực thi hay không và có hiệu quả trên thực tế hay không phụ thuộc rất nhiều vào ý thức, thái độ trách nhiệm của cán bộ, công chức, người lao động trong mỗi cơ quan, đơn vị. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng một bộ phận CBCC có nhận thức chưa đầy đủ về VHCS, có những biểu hiện lệch chuẩn trong ứng xử làm ảnh hưởng đến hình ảnh “công bộc” của dân vẫn còn xảy ra. Ở một số cơ quan, tổ chức vẫn còn tình trạng “đi muộn về sớm”, bớt xén giờ làm, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, tổ chức, chưa nhiệt tình, thái độ thiếu niềm nở… Tình trạng CBCC thực hiện chưa nghiêm Quy chế VHCS hoặc còn mang tính hình thức, làm việc với chất lượng chưa cao, kỹ năng giao tiếp và ứng xử chưa chuẩn mực còn tồn tại; vấn đề thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tác phong công tác tùy tiện, tính kỷ luật chưa cao. Ngoài ra, nhiều công chức vẫn thiếu các kỹ năng thiết lập giao tiếp phi ngôn ngữ; chưa biết “nói chuyện” bằng ánh mắt, khuôn mặt, cử chỉ, thường mang thái độ lạnh lùng thay vì thân thiện, cởi mở với người dân.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó là do VHCS của một bộ phận CBCC còn hạn chế, đặt cái “tôi” cá nhân cao hơn lợi ích của tập thể. Ngoài ra, công tác tuyên truyền, truyền thông văn hóa đến từng CBCC để họ hiểu, tuân thủ các quy định về VHCS ở một số cơ quan chưa hiệu quả. Bên cạnh đó, công tác khen thưởng chưa kịp thời.
Vì vậy để thực hiện tốt Kế hoạch Tăng cường thực hiện các mô hình CCHC gắn với xây dựng văn hóa công sở và tổ chức thi đua cùng điển hình tiên tiến trên địa bàn huyện Thạnh Trị do UBND huyện Thạnh Trị phát động đặc biệt là thực hiện VHCS đối với các cơ quan, đơn vị cần đẩy mạnh việc tuyên truyền nâng cao nhận thức về VHCS cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, đội ngũ CBCC, viên chức và người lao động. Cần mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho CBCC trong cơ quan về VHCS; cần xây dựng bảng nội quy với những quy định yêu cầu mọi người phải thực hiện, có kiểm tra, đánh giá chấm điểm. Đối với lãnh đạo các đơn vị trong cơ quan hành chính, cần phải xây dựng được cơ chế tốt để các thành viên có điều kiện phát triển, xây dựng một môi trường hòa đồng, thân thiện mang tính đoàn kết cao. Trong đó, quan trọng hơn chính là việc cần thay đổi nhận thức, suy nghĩ của một số CBCC về thái độ, hành vi ứng xử với đồng nghiệp và Nhân dân nhằm góp phần xây dựng hình ảnh người CBCC “Trung thành – Tận tụy – Sáng tạo – Gương mẫu”. Đồng thời, phải có sự thống nhất về nhận thức chung, coi việc thực hiện VHCS chính là một phần của nhiệm vụ cải cách hành chính và mỗi CBCC cũng cần nhận thức được thực hiện tốt VHCS và làm tốt nhiệm vụ, công việc của mình là phục vụ Nhân dân.
Mặt khác, VHCS bị ảnh hưởng rất nhiều từ người đứng đầu tổ chức, do đó, thủ trưởng các đơn vị, cơ quan hành chính cần phải gương mẫu thực hiện Quy chế VHCS và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát CBCC tại đơn vị mình. Ngoài việc tuyển chọn, phân công công việc phù hợp với năng lực trình độ của đội ngũ CBCC, cần phải tạo ra môi trường làm việc thân thiện, kịp thời biểu dương, khen thưởng những cá nhân xuất sắc, quan tâm đến đời sống, tâm tư, nguyện vọng của CBCC.
Thực tế cho thấy, nơi nào CBCCVC thực hiện tốt quy chế VHCS, nơi đó càng có sự đoàn kết, thống nhất nội bộ cao, đảm bảo hoàn thành tốt mục tiêu, kế hoạch đề ra. Vì vậy, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong huyện cần triển khai quyết liệt hơn nữa nhằm tạo chuyển biến thực sự trong văn hóa công sở, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, xây dựng đội ngũ CBCCVC trong các cơ quan hành chính Nhà nước ngày càng hoàn thiện về phẩm chất, tác phong, đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực trong thi hành công vụ.
Đài Truyền thanh huyện